0

Dấu hiệu nhận biết rối loạn stress sau sang chấn | Safe and Sound

Rối loạn stress sau sang chấn là một rối loạn lo âu có thể phát triển sau một sự kiện kinh hoàng mà bệnh nhân chứng kiến hoặc trực tiếp là người trải qua sự kiện sang chấn đó. Theo các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, rối loạn stress sau sang chấn có nhiều triệu chứng về tâm lý cũng như thể chất.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Rối loạn stress sau sang chấn là gì?

Các bác sĩ tâm thần cho biết, rối loạn stress sau sang chấn (Posttraumatic stress disorder - PTSD) được đặc trưng bởi sự gia tăng căng thẳng và lo lắng sau khi tiếp xúc với một sự kiện chấn thương tâm lý. Sự kiện chấn thương tâm lý được bác sĩ tâm thần giải thích là bệnh nhân là nạn nhân hoặc phải chứng kiến một tai nạn (tai nạn xe hơi, cháy nhà) hoặc một tội ác khủng khiếp (giết người), các trận đánh, bị hành hung, bị bắt cóc, nạn nhân của một thảm họa tự nhiên (như động đất, sóng thần,...), được chẩn đoán là mắc bệnh hiểm nghèo, bị lạm dụng tình dục.

Bệnh nhân phản ứng với những chấn thương tâm lý này với nỗi sợ hãi và bất lực, họ luôn hồi tưởng lại sự kiện đau buồn này và cố gắng để xa lánh nó. Bác sĩ tâm thần khuyến cáo, sự kiện này có thể được sống lại trong những giấc mơ và suy nghĩ của bệnh nhân lúc thức (hồi tưởng).

Ảnh 1: Rối loạn stress sau sang chấn xảy ra sau khi tiếp xúc với một sự kiện chấn thương tâm lý

Các yếu tố stress là đủ mạnh để gây đau khổ cho hầu như tất cả mọi người. Họ có thể tái hiện các sự kiện đau buồn trong những giấc mơ của họ và suy nghĩ hàng ngày của họ. Họ được cho là sẽ tránh bất cứ điều gì có thể gợi lại các ký ức đau buồn của stress cùng với một tình trạng tăng cảnh giác. Các triệu chứng khám kèm theo là trầm cảm, lo âu và những khó khăn về nhận thức như kém tập trung, trí nhớ giảm,... là rất phổ biến. 

Theo các bác sĩ tâm thần, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là các rối loạn phát sinh sau chấn thương tâm lý từ vài tuần đến vài tháng, tối đa là 6 tháng. Bệnh có thể tiến triển thuận lợi (khỏi bệnh) hoặc dao động (tái phát, tăng hoặc giảm bệnh). Một số ít bệnh nhân, bệnh có thể kéo dài nhiều năm và để lại biến đổi nhân cách rõ rệt.

2. Triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn

Các bệnh nhân với rối loạn stress sau sang chấn có 3 nhóm triệu chứng sau:

  • Các triệu chứng xâm nhập sau chấn thương.
  • Tránh các kích thích liên quan đến chấn thương.
  • Tăng các triệu chứng kích thích.

Hồi tưởng, trong đó các cá nhân có thể cảm thấy và hành động như thể chấn thương đang tái diễn, đây là một triệu chứng xâm nhập cổ điển. Các bác sĩ tâm thần cho biết, triệu chứng xâm nhập khác bao gồm những ký ức đau buồn hay những giấc mơ và những phản ứng căng thẳng khi tiếp xúc với các kích thích được liên kết đến các chấn thương. Một cá nhân phải thể hiện ít nhất một triệu chứng xâm nhập để đáp ứng các tiêu chí cho PTSD. Rối loạn có thể là đặc biệt nghiêm trọng và kéo dài khi các stress là do con người gây ra như tra tấn và cưỡng hiếp. Bác sĩ tâm thần khuyến cáo, rối loạn này làm tăng cường độ của stress và của các triệu chứng. Các sự kiện chấn thương tâm lý có thể được tái trải nghiệm theo các cách khác nhau. Phổ biến nhất là người bệnh lại tìm kiếm và sưu tập bừa bãi các sự kiện chấn thương; hiếm hơn, bệnh nhân có các trạng thái rối loạn phân ly kéo dài vài giây đến vài ngày. Trong đó, các sự kiện chấn thương tâm lý được sống lại và hành vi của bệnh nhân giống như tại thời điểm xảy ra chấn thương tâm lý, hoặc khi gặp biểu tượng gợi lại chấn thương tâm lý thì phản ứng tâm lý của bệnh nhân thường là rất mạnh mẽ.

Ảnh 2: Bệnh nhân cảm thấy và hành động như thể chấn thương đang tái diễn 

Các bác sĩ tâm thần cho biết triệu chứng né tránh các kích thích liên quan đến chấn thương của PTSD bao gồm: các cố gắng để tránh các suy nghĩ hoặc các hoạt động liên quan đến chấn thương, giảm khả năng ghi nhớ các sự kiện liên quan đến chấn thương, cảm giác bị bỏ rơi hoặc giải thể thực tế và một số cảm giác không có tương lai. Bác sĩ tâm thần khuyến cáo, con người phản ứng lại các sự kiện chấn thương tâm lý này bằng các biểu hiện như: hoảng sợ mãnh liệt, sợ mất giúp đỡ hoặc bằng các hành vi kích động, hỗn loạn. Dần dần bệnh nhân tìm cách xa lánh các sự kiện gợi lại chấn thương tâm lý (ví dụ: người bị tai nạn giao thông nghiêm trọng do ô tô sẽ tìm cách tránh xa ô tô). Bệnh nhân có thể có các tình trạng chết lặng, tăng các triệu chứng báo hiệu, cảnh giác. Bệnh nhân xa lánh các sự kiện chấn thương, tránh suy nghĩ hoặc thảo luận về chấn thương. Họ có cảm giác tan rã hoặc xa rời người thân. Các năng lực cảm xúc của bệnh nhân bị giảm sút rõ rệt. Họ luôn có cảm giác thiếu hụt trong tương lai, luôn sợ khó kết hôn, không có con, không có cuộc sống gia đình bình thường.

Các triệu chứng của tăng kích thích theo bác sĩ tâm thần cho biết bao gồm mất ngủ, khó chịu, tăng cảnh giác và giật mình. Bệnh nhân khó ngủ hoặc khó vào giấc ngủ, họ hay cáu gắt quá mức, luôn than phiền khó tập trung chú ý, đôi lúc họ có các mảng hồi tưởng, nghĩa là nhớ lại miễn cưỡng hoàn cảnh chấn thương tâm lý, có người than phiền về những cơn ác mộng xuất hiện dai dẳng. Vì thế, nhiều người dễ sa vào nghiện rượu và ma tuý để tìm cách lãng quên sự kiện chấn thương tâm lý.

Bệnh rối loạn stress sau sang chấn được coi là cấp tính nếu các triệu chứng kéo dài dưới 3 tháng, khi bệnh PTSD kéo dài trên 3 tháng thì gọi là mãn tính. Nếu khởi phát của bệnh trong phạm vi 3-6 tháng sau khi có stress thì gọi là khởi phát muộn.

3. Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn stress sau sang chấn

Người bệnh có hoặc bị đe doạ cái chết, các vết thương nghiêm trọng, bị cưỡng hiếp với cả 1 hoặc hơn các đặc điểm sau: 

  • Trực tiếp trải qua các chấn thương tâm lý nghiêm trọng.
  • Chứng kiến các sự kiện chấn thương tâm lý xảy ra với người khác.
  • Học được các sự kiện chấn thương tâm lý từ các thành viên trong gia đình, từ bạn bè.
  • Trải nghiệm lặp đi lặp lại các sự kiện chấn thương tâm lý.  

Các sự kiện chấn thương tâm lý được tái trải nghiệm bền vững ở một (hoặc nhiều hơn) trong các cách sau:

  • Tái diễn mãnh liệt, gợi lại những sự kiện khó chịu bao gồm cả sự tưởng tượng, ý nghĩ hoặc tri giác (cần lưu ý ở trẻ em có sự diễn lại cảnh sang chấn đó xảy ra hoặc các khía cạnh sang chấn được tái hiện).
  • Tái diễn những giấc mơ khó chịu về chấn thương (cần lưu ý: ở trẻ em có thể có sợ hãi trong giấc mơ mà không có nội dung nhất định).
  • Hoạt động hoặc cảm giác như là sự kiện chấn thương tâm lý tái diễn (bao gồm: cảm giác sống lại các kinh nghiệm về chấn thương, ảo tưởng, ảo giác và các giai đoạn phân ly phản hồi ngược).
  • Lo lắng mãnh liệt, biểu hiện bên trong hoặc bên ngoài khi có biểu tượng hoặc dấu vết về sự kiện chấn thương tâm lý.
  • Phản ứng tâm lý với các biểu hiện bên trong hoặc bên ngoài biểu tượng của chấn thương tâm lý.

Sự xa lánh bền vững các kích thích gợi lại chấn thương tâm lý, xuất hiện ngay sau chấn thương với một hoặc cả 2 dấu hiệu sau:

  • Cố gắng tránh các suy nghĩ hoặc nhớ lại các chấn thương tâm lý.
  • Cố gắng tránh các sự vật bên ngoài gợi lại chấn thương tâm lý.

Giảm khả năng nhận thức và cảm xúc, bắt đầu sau khi có chấn thương hoặc xấu đi sau khi có chấn thương, có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau:

  • Mất khả năng nhớ lại các biểu hiện quan trọng của chấn thương mà các chấn thương đó không phải hậu quả của chấn thương sọ não, rượu và ma tuý.
  • Luôn tự kết tội bản thân mình.
  • Giảm nhận thức bền vững về nguyên nhân và hậu quả của chấn thương tâm lý. Luôn tự quở trách mình.
  • Luôn có các cảm xúc tiêu cực (sợ hãi, sợ mất danh dự, xấu hổ, nổi cáu).
  • Có sự giảm sút rõ ràng các sở thích hoặc các hoạt động đã có từ trước.
  • Cảm giác tan rã hoặc xa lánh người khác.
  • Mất khả năng biểu lộ cảm xúc tích cực (hạnh phúc, vui sướng, yêu thích, thỏa mãn).

Các triệu chứng tăng báo động bền vững (không có biểu hiện trước khi chấn thương), có 2 hoặc nhiều hơn các biểu hiện sau:

  • Cáu gắt hoặc bùng nổ tức giận.
  • Liều lĩnh hoặc tự làm hại bản thân.
  • Tăng sự cảnh giác.
  • Đáp ứng bằng sự hoảng hốt quá mức.
  • Khó tập trung chú ý.
  • Rối loạn giấc ngủ (khó bắt đầu và khó giữ giấc ngủ).

Được biệt định nếu:

  • Cấp tính: Nếu thời gian của triệu chứng ngắn hơn 3 tháng sau stress.
  • Mạn tính: Nếu thời gian của các triệu chứng dài hơn 3 tháng sau stress.
  • Có khởi phát muộn: Nếu các triệu chứng xuất hiện 3-6 tháng sau stress.
: Dấu hiệu nhận biết rối loạn stress sau sang chấn | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound